Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn ngữ văn-phần tập làm văn mới nhất(P.2)
Tiếp thêo phần 1 thì sau đây diemthilop10.info xin chia sẻ nốt phần tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn ngữ văn phần tập làm văn mới nhất để các bạn hệ thống lại toàn bộ kiến thức phần tập làm văn trong bài thi văn vào lớp 10 THPT. Chúc các bạn ôn tập thật tốt để đạt được kết quả như mong muốn.
VĂN NGHỊ LUẬN
1. Đặc điểm của văn nghị luận
- Luận điểm: là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận. Một bài văn thường có các luận điểm: luận điểm chính, luận điểm xuất phát, luận điểm khai triển, luận điểm kết luận.
- Luận cứ: là những lí lẽ và dẫn chứng làm cơ sở cho luận điểm. Luân điểm là kết luận của những lí lẽ và dẫn chứng đó.
- Luận cứ trả lời các câu hỏi: Vì sao phải nêu luận điểm? Nêu ra để làm gì? Luận điểm ấy có đáng tin cậy không?
Cấu trúc của văn nghị luận:
- Mở bài (đặt vấn đề): Giới thiệu vấn đề, tầm quan trọng của vấn đề, nêu được luận điểm cơ bản cần giải quyết.
- Thân bài (giải quyết vấn đề): Triển khai các luận điểm, dùng lí lẽ dẫn chứng lập luận để thuyết phục người nghe theo quan điểm đã trình bày.
- Kết bài (kết thúc vấn đề): Khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa của vấn đề đã nêu.
2. Các phương pháp lập luận
- Phương pháp chứng minh: mục đích làm sáng tỏ vấn đề, dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.
- Phương pháp giải thích: chỉ ra nguyên nhân, lí do, quy luật của sự việc hiện tượng được nêu trong luận điểm. Trong văn nghị luận, giải thích là làm sáng tỏ một từ, một câu, một nhận định
- Phương pháp phân tích: là cách lập luận trình bày từng bộ phận, phương diện của một vấn đề nhằm chỉ ra nội dung của sự vật, hiện tượng. Để phân tích nội dung của một sự vật, hiện tượng, người ta có thể vận dụng các biện pháp nêu giả thiết, so sánh đối chiếu,… và cả phép lập luận giải thích, chứng minh.
- Phương pháp tổng hợp: là phép lập luận rút ra cái chung từ những điều đã phân tích. Lập luận tổng hợp thường đặt ở cuối đoạn hay cuối bài, phần kết luận của một phần hoặc toàn bộ văn bản.
Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn
5. Nghị luận xã hội
5.1. Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống.
- Yêu cầu:
+ Về nội dung: Phải làm rõ được sự viêc, hiện tượng có vấn đề; phân tích mặt sai đúng, mặt lợi hại của nó; chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ ý kiến, nhận định của người viết. Bài làm cần lựa chọn góc độ riêng để phân tích, nhận định; đưa ra ý kiến, có suy nghĩ và cảm thụ riêng của người viết.
+ Về hình thức: Bài viết phải có bố cục mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động.
- Bố cục:
+ Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng có vấn đề.
+ Thân bài: Liên hệ thực tế, phân tích các mặt, đánh giá, nhận định.
+ Kết bài : Kết luận, khẳng định, phủ định, lời khuyên.
5.2. Nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí.
- Yêu cầu:
+ Về nội dung: Phải làm sáng tỏ các vấn đề về tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích,… để chỉ ra chỗ đúng hay chỗ sai của một tư tưởng nào đó, nhằm khẳng định tư tưởng của người viết.
+ Về hình thức: Bài viết phải có bố cục ba phần; có luận điểm đúng đắn, sáng tỏ; lời văn chính xác, sinh động.
6. Nghị luận văn học.
6.1. Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
- Yêu cầu:
+ Về nội dung: Nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ được thể hiện qua ngôn từ, giọng điệu, …Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy để có những nhận xét đánh giá cụ thể, xác đáng.
+ Về hình thức: Bài viết cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng; có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết.
- Bố cục:
+ Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nêu nhận xét đánh giá của mình ( nếu phân tích một đoạn thơ nên nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó)
+ Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.
+ Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ.
6.2. Nghị luận về tác phẩm truyện.
- Yêu cầu:
+ Về nội dung: Những nhận xét đánh già về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát. Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện (hay đoạn trích) trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục.
+ Về hình thức: Bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần có bố cục mạch lạc, có lời văn chuẩn xác, gợi cảm.
7. Sự đan xen của các yếu tố thuộc phương thức biểu đạt khác
- Yếu tố biểu cảm: Văn nghị luận rất cần yếu tố biểu cảm. Yếu tố biểu cảm giúp cho văn nghị luận có hiệu quả thuyết phục lớn hơn, vì nó tác động mạnh mẽ tới tình cảm của người đọc (người nghe). Để bài văn nghị luận có sức biểu cảm cao, người làm văn phải thật sự có cảm xúc trước những điều mình viết (nói) và phải biết biểu hiện cảm xúc đó bằng những từ ngữ, những câu văn có sức truyền cảm. Sự diễn tả cảm xúc cần phải chân thực và không được phá vỡ mạch lạc nghị luận cuả bài văn.
- Yếu tố tự sự, miêu tả: Bài văn nghị luận vẫn thường phải có các yếu tố tự sự và miêu tả. Hai yếu tố này giúp cho việc trình bày luận cứ được rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn, và do đó, có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn. Các yếu tố miêu tả và tự sự được dùng làm luận cứ phải phục vụ cho niệc làm rõ luận điểm và không phá vỡ mạch lạc của bài nghị luận.
VĂN THUYẾT MINH
1. Yêu cầu:
- Về nội dung: Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi phải khách quan, xác thực, thực dụng, hữu ích cho mọi người.
- Về hình thức: Ngôn ngữ trong văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.
2. Bố cục
- Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh.
- Thân bài: Trình bày các đặc điểm có tính chất khách quan khoa học về đối tượng; giải thích nguyên nhân, nguồn gốc, cấu tạo, liệt kê các bộ phận cấu thành, các chủng loại,… của đối tượng và công dụng của nó.
- Kết bài: Đánh giá về đối tượng với khả năng, vai trò ứng dụng của nó trong thực tế.
3. Các phương pháp thuyết minh
Để bài văn thuyết minh có tính thuyết phục, dễ hiểu, sáng tỏ, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp thuyết minh:
- Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích: Sử dụng kiểu câu trần thuật có từ “là” nhằm giới thiệu, giải thích hoặc định nghĩa về sự vật, hiện hượng, vấn đề nào đó.
- Phương pháp liệt kê: Liệt kê các măt, các phương diện, các phần, các tính chất,… của đối tượng theo một trình tự nhất định nhằm cung cấp cho người đọc, người nghe cái nhìn toàn cảnh về đối tượng một cách khách quan.
- Phương pháp nêu ví dụ: Đưa ra các ví dụ thực tiễn, sinh động chính xác và cụ thể, có tác dụng thuyết phục cao, làm cho người đọc (nghe) tin cậy.
- Phương pháp dùng số liệu (con số): Dùng những con số có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề nhanh nhất, thực tế nhất mà lại có sức thuyết phục nhất về đặc điểm nào đó của đối tượng, về vai trò nào đó của đối tượng.
- Phương pháp so sánh: Sự so sánh đối tượng; khía cạch của đối tượng,… với những cái gần gũi, cụ thể giúp cho người nghe (đọc) tiếp cận vấn đề nhanh, cụ thể, sáng rõ bởi nó dễ hiểu.
- Phương pháp phân loại, phân tích: Đối với những loại sự vật, đối tượng đa dạng, người ta chia ra từng loại, từng phần theo đặc điểm đối tượng thuyết minh để trình bày. Như vậy sẽ mang tính khách quan, đầy đủ, dễ theo dõi đối với người đọc (nghe).
5. Các yếu tố đan xen của phương thức biểu đạt khác
5.1. Một số biện pháp nghệ thuật
- Để văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, chúng ta có thể sử dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật. Bởi vì các biện pháp nghệ thuật thích hợp sẽ góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.
- Một số biện pháp nghệ thuật thường dùng trong văn bản thuyết minh là: kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hoá, các hình thức vè và diễn ca,…Thông thường hơn cả là các phép nhân hoá, ẩn dụ, so sánh để khơi gợi sự cảm thụ về đối tượng thuyết minh.
5.2. Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn thuyết minh
- Yếu tố miêu tả là những yếu tố của hiện thực khách quan trong đời sống. Chứng có hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, hình khối, hương vị,… rất cụ thể mà giác quan con người có thể cảm nhận được. Yếu tố miêu tả thường dược sử dụng trong văn bản nghệ thuật để xây dựng hình tượng nghệ thuật.
- Để thuyết minh cho cụ thể sinh động, hấp dẫn, bài thuyết minh có thể kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả. Bởi vì yếu tố miêu tả có tác dụng làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật, gây ấn tượng.
Hướng dẫn ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn
VĂN BẢN HÀNH CHÍNH CÔNG VỤ
- Đơn từ
Đơn được viết ra giấy (theo mẫu hoặc không theo mẫu) để đề đạt mọi nguyện vọng với một người hay một cơ quan, tổ chức có quyền hạn giải quyết nguyện vọng đó.Đơn phải trình bày trang trọng, ngắn gọn và sáng sủa theo một số mục nhất định. Những nội dung bắt buộc trong đơn là: Đơn gửi ai? Ai gửi đơn? Gửi để đề đạt nguyện vọng gì?
Bố cục cục của đơn từ:
- Phần mở đầu: Quốc hiệu và tiêu ngữ, địa điểm làm đơn và ngày tháng năm làm đơn, tên đơn, nơi gửi đơn.
- Phần nội dung sẽ bao gồm: Họ tên, nơi công tác hoặc nơi ở của người viết đơn, Trình bày sự việc, lí do và nguyện vọng (đề nghị), Cam đoan và cảm ơn.
- Phần kết thúc: Kí tên.
- Văn bản đề nghị.
Trong cuộc sống sinh hoạt và học tập, khi xuất hiện một nhu cầu, quyền lợi chính đáng nào đó của cá nhân hay một tập thể (thường là tập thể) thì người ta viết văn bản đề nghị (kiến nghị) gửi lên cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền để nêu ý kiến của mình. Văn bản kiến nghị cần trình bày trang trọng, ngắn gọn và sáng sủa theo một số mục quy định sẵn. Nội dung không nhất thiết phải trình bày đầy đủ tất cả nhưng cần chú ý các mục sau: Ai đề nghị? Đề nghị ai (nơi nào)? Đề nghị điều gì?
Bố cục cục của văn bản đề nghị:
- Phần mở đầu sẽ bao gồm: Quốc hiệu, tiêu ngữ, địa điểm làm giấy đề nghị và ngày tháng năm, tên văn bản: Giấy đề nghị (hoặc Bản kiến nghị) và nơi nhận đề nghị.
- Phần nội dung: Người (tổ chức) đề nghị, nêu sự việc lí do và ý kiến cần đề nghị với nơi nhận.
- Phần kết thúc: Kí tên.
- Văn bản báo cáo
Báo cáo thường là bản tổng hợp trình bày về tình hình, sự việc và các kết quả đạt dượccủa một cá nhân hay một tập thể. Báo cáo cần trình bày trang trọng, rõ ràng và sáng sủa theo một số mục quy định sẵn. Nội dung không nhất thiết phải trình bày đầy đủ tất cả nhưng cần chú ý các mục sau: Báo cáo của ai? Báo cáo với ai? Báo cáo về việc gì? Kết quả như thế nào?
Bố cục văn bản báo cáo
- Phần đầu: Quốc hiệu, tiêu ngữ, địa điểm làm báo cáo và ngày tháng và tên văn bản.
- Phần nội dung: Nơi nhận báo cáo, người (tổ chức) báo cáo, nêu lí do sự việc và các kết quả đã làm được.
- Phần kết thúc: kí tên.
- Văn bản tường trình.
Đây loại văn bản trình bày thiệt hại hay mức độ trách nhiện của người tường trình trong các sự việc xảy ra gây hậu quả cần phải xem xét. Người viết tường trình là người có liên quan đến sự việc, người nhận tường trình là cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết.Văn bản tường trình phải tuân thủ thể thức và phải trình bày đầy đủ, chính xác thời gian, địa điểm, sự việc, họ tên những người có liên quan cùng đề nghị của người viết; có đầy đủ người gửi, người nhận, ngày tháng, địa điểm thì mới có giá trị.
Bố cục văn bản tường trình:
- Phần mở đầu: Quốc hiệu, tiêu ngữ, địa điểm và thời gian làm tường trình và tên văn bản.
- Phần nội dung: Người (cơ quan) nhận bản tường trình, nội dung tường trình: người viết trình bày thời gian địa điểm, diễn biến sự việc, nguyên nhân vì đâu, hậu quả thế nào, ai chịu trách nhiệm. Thái độ tường trình nên khách quan, trung thực.
- Phần kết thúc: Lời đề nghị hoặc cam đoan, chữ kí và họ tên người tường trình.
- Thông báo
Đây loại văn bản truyền đạt những thông tin cụ thể từ phía cơ quan, đoàn thể, người tổ chức cho những người dưới quyền, thành viên đoàn thể hoặc những ai quan tâm nội dung thông báo được biết để thực hiện hay tham gia. Văn bản thông báo phải cho biết rõ ai thông báo, thông báo cho ai, nội dung công việc, quy định về thời gian, địa điểm,… phải cụ thể, chính xác. Văn bản thông báo phải tuân thủ thể thức hành chính, có ghi tên cơ quan, số công văn, quốc hiệu và tiêu ngữ, tên văn bản, ngày tháng, người nhận, người thông báo, thì mới có hiệu lực.
Bố cục của văn bản thông báo:
- Phần đầu: Tên cơ quan chủ quản và đơn vị trực thuộc (góc trên bên trái), Quốc hiệu, tiêu ngữ, địa điểm và thời gian làm thông báo, tên văn bản.
- Phần nội dung: Nội dung thông báo.
- Phần kết thúc: Nơi nhận (phía dưới bên trái) và sau đó kí tên và ghi đầy đủ họ tên, chức vụ của người có trách nhiệm thông báo ( phía dưới bên phải).
- Biên bản
Đây là loại văn bản ghi chép một cách trung thực, chính xác, đầy đủ một việc đang xảy ra hoặc vừa mới xảy ra. Người ghi biên bản chịu trách nhiệm về tính xác thực của biên bản.
Lời văn của biên bản cần ngắn gọn, chính xác. Tuỳ theo nội dung sự việc mà có nhiều loại biên bản khác nhau: biên bản hội nghị, biên bản sự vụ,…
Bố cục của biên bản:
- Phần mở đầu (thủ tục): Quốc hiệu và tiêu ngữ (đối với biên bản sự vụ hành chính), tên biên bản, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia và chức trách của họ.
- Phần nội dung: Diễn biến và kết quả của sự việc.
- Phần kết thúc: Thời gian kết thúc, chữ kí và họ tên của các thành viên có trách nhiệm chính, những văn bản hoặc hiện vật kèm theo (nếu có).
- Hợp đồng
Là loại văn bản có tính chất pháp lí ghi lại nội dung thoả thuận về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên tham gia giao dịch nhằm đảm bảo thực hiện đúng thoả thuận đã cam kết.
Lời văn của hợp đồng phải chính xác chặt chẽ.
- Phần mở đầu: Quốc hiệu và tiêu ngữ, tên hợp đồng, thời gian, địa điểm, họ tên, chức vụ, địa chỉ của các bên kí kết hợp đồng.
- Phần nội dung: Ghi lại nội dung của hợp đồng theo từng điều khoản đã được thống nhất.
- Phần kết thúc: Chức vụ, chữ kí, họ tên của đại diện các bên tham gia kí kết hợp đồng và xác nhận bằng dấu của cơ quan hai bên (nếu có).
- Thư điện chúc mừng thăm hỏi
Là những văn bản bày tỏ sự chúc mừng hoặc thông cảm của người gửi đến người nhận. Lời văn của dạng văn bản này ngắn gọn, súc tích, tình cảm chân thành.Nội dung thư điện cần phải nêu dược lí do, lời chúc mừng hoặc lời thăm hỏi và mong muốn người nhận điện sẽ có những điều tốt lành.
Mong rằng với những kiến thức ôn thi vào lớp 10 môn văn trên đây có thể giúp các bạn học sinh có thể làm cho mình một cuốn cẩm nang ôn thi giúp quá trình ôn đạt hiệu quả cao nhất để dành được điểm số như các bạn mong muốn trong môn văn.
Ngoài ra tại đây còn cập nhật thường xuyên những thông tin mới nhất về tuyển sinh, đề thi, đáp án và điểm thi vào lớp 10 chính xác nhất để bạn đọc có thể cập nhật nhanh nhất những thông tin mà mình quan tâm trong kì tuyển sinh sắp tới. Chúc các bạn ôn thi tốt để có một mùa tuyển sinh thành công như mong đợi.
Bài viết cùng chuyên mục
-
Kinh nghiệm chọn trường vào lớp 10 thpt cho con hữu ích
-
Tóm tắt quy chế tuyển sinh vào lớp 10 thpt hiện nay
-
Danh sách các trường thpt chuyên năng khiếu toàn quốc
-
Top 100 trường thpt tốt nhất hiện nay
-
Điểm chuẩn vào lớp 10 THPT Công Lập tại Hà Nội năm 2015–2016
-
Danh sách các trường THPT ở Hà Nội chất lượng tốt